Những câu hỏi thường gặp về bệnh sỏi mật

1. Vị trí và chức năng của túi mật là gì?

Túi mật bình thường là một túi nhỏ, màu xanh lam, có dung tích 30-60 ml, dính vào phía dưới thùy gan phải, thông nối với đường mật qua ống túi mật. Chiếu lên thành bụng, túi mật nằm ở vùng bụng trên phải, ngay dưới bờ sườn. Túi mật có nhiệm vụ cô đặc và lưu trữ dịch mật (được gan tiết ra). Khi chúng ta ăn, đặc biệt là thức ăn có dầu và mỡ, túi mật sẽ co bóp để đẩy dịch mật chứa trong đó vào đường mật và sau đó xuống tá tràng để trộn lẫn với thức ăn giúp tiêu hóa chất béo.

Hình 1: Hình ảnh minh họa giải phẫu túi mật và hệ thống đường mật.

2. Tại sao có sỏi túi mật?

Sỏi túi mật được hình thành do sự mất cân bằng thành phần cholesterol có trong dịch mật và do nhiễm khuẩn đường mật, các bệnh gây tán huyết, xơ gan, viêm hoặc đã cắt đoạn hồi tràng (phần cuối của ruột non).

Sỏi túi mật rất phổ biến ở phương Tây. Ở châu Phi tỉ lệ mắc sỏi túi mật là dưới 5 % và châu Á là 5 – 10 %. Ngày nay, siêu âm được sử dụng rộng rãi nên tỉ lệ sỏi túi mật đơn thuần được phát hiện tại châu Á chiếm tỷ lệ ngày càng tăng.

Hình 2: Hình ảnh sỏi túi mật sau khi phẫu thuật

3. Triệu chứng của sỏi túi mật biểu hiện như thế nào?

Sỏi túi mật có thể có hoặc không có triệu chứng.

Nhiều bệnh nhân sỏi túi mật được phát hiện tình cờ qua khám sức khỏe định kỳ hay khám các bệnh khác mà trước đó không có triệu chứng gì của sỏi túi mật. Diễn tiến lâm sàng của bệnh sỏi túi mật thường qua 3 giai đoạn: không triệu chứng, có triệu chứng và biến chứng. Khoảng 30% trường hợp có sỏi túi mật là có triệu chứng, triệu chứng của sỏi túi mật thường gặp nhất là cơn đau quặn mật (86%), với các đặc điểm sau:

  • Tính chu kỳ: Những cơn đau riêng biệt kéo dài từ 30 phút đến vài giờ.
  • Vị trí: Đau xảy ra ở thượng vị hoặc vùng bụng trên phải, với các trường hợp đau nhiều nhất ở vùng thượng vị, khiến dễ lầm với bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng.
  • Mức độ: Đau nhiều và liên tục, cơn đau có thể làm cho bệnh nhân ngưng thở.
  • Thời điểm: Đau xảy ra trong vòng vài giờ sau khi ăn, hoặc đau về đêm thường làm cho bệnh nhân thức giấc.
  • Các triệu chứng khác bao gồm đau lưng, đau bụng trên trái, buồn nôn và nôn, đầy bụng (khó tiêu với thức ăn mỡ).

Hình 3: Triêu chứng lâm sàng của cơn đau quặn mật.

4. Chn đoán sỏi túi mật bằng cách nào?

Siêu âm bụng: Hiện nay siêu âm bụng được xem là phương tiện đầu tay để chẩn đoán sỏi túi mật, khả năng chẩn đoán đúng sỏi túi mật của siêu âm là 90-95%.

Chụp cắt lớp điện toán (CT) và cộng hưởng từ (MRI) có thể được sử dụng trong việc chẩn đoán các trường hợp nghi ngờ sỏi mật mà siêu âm không thể khẳng định được.

5. Khi nào cần điều trị sỏi túi mật?

Tất cả các trường hợp sỏi túi mật có triệu chứng đều có chỉ định điều trị bất kể kích thước và số lượng sỏi.

Với sỏi túi mật không triệu chứng thì vai trò của cắt túi mật và các phương pháp điều trị khác là không rõ ràng. Từ các nghiên cứu theo dõi diễn tiến tự nhiên của sỏi túi mật cho thấy, không cần thiết phải cắt túi mật phòng ngừa, ngoại trừ trường hợp bệnh nhân có nguy cơ cao ung thư túi mật như túi mật sứ, sỏi kết hợp với polyp túi mật lớn hơn 10 mm, sỏi lớn hơn 10 mm…

6. Nếu không điều trị, diễn tiến tự nhiên và biến chứng của sỏi túi mật như thế nào?

Hàng năm, chỉ có 1- 2% bệnh nhân có sỏi túi mật không triệu chứng tiến triển thành có triệu chứng. Có một số (< 0,5% mỗi năm) diễn tiến từ sỏi túi mật không triệu chứng đến giai đoạn biến chứng mà không trải qua giai đoạn có triệu chứng.

Các biến chứng của sỏi túi mật bao gồm:

  • Viêm túi mật cấp do sỏi kẹt ở cổ hoặc ống túi mật cần phải điều trị phẫu thuật cấp cứu.
  • Viêm đường mật do sỏi túi mật rớt vào ống mật chủ làm tắc nghẽn đường mật dẫn đến viêm đường mật. Đây là biến chứng nặng, cần phải can thiệp lấy sỏi cấp cứu.
  • Viêm tụy cấp do sỏi túi mật rớt vào ống mật chủ và kẹt ở đoạn cuối ống mật chủ làm tắc nghẽn cả ống mật và ống tụy. Đây là biến chứng rất nặng, cần phải can thiệp lấy sỏi kịp thời.
  • Ung thư túi mật liên quan với sỏi túi mật to (trên 25 mm), sỏi kèm với polyp túi mật, túi mật sứ. Bệnh diễn tiến âm thầm, thường chẩn đoán trễ.

Hình 5: Hình minh họa biến chứng của sỏi túi mật

7. Các phương pháp điều trị sỏi túi mật hiện nay là gì?

Hiện nay, có 2 phương thức điều trị sỏi túi mật: không phẫu thuật và phẫu thuật.

  • Điều trị không phẫu thuật: có uống thuốc tan sỏi, tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng chấn động, làm tan sỏi và lấy sỏi qua da, lấy sỏi túi mật qua nội soi. Kết quả điều trị của các phương pháp này không cao tùy thuộc vào loại sỏi, kích thước sỏi và giải phẫu của ống mật. Ngoài ra, các phương thức điều trị này đều có chung đặc điểm là để lại túi mật, là nơi sẽ tạo sỏi trong tương lai, do đó làm hạn chế kết quả về lâu dài.
  • Điều trị phẫu thuật có phẫu thuật: cắt túi mật mở bụng và cắt túi mật qua nội soi ổ bụng.

Ngày nay, đa số bệnh viện đã áp dụng phẫu thuật nội soi cắt túi mật với nhiều ưu điểm: vết mổ nhỏ, ít đau sau mổ, hồi phục nhanh và thẩm mỹ.

Hình 6: Cắt túi mật nội soi và mổ mở.

8. Sau cắt túi mật có ảnh hưởng gì đến cuộc sống không?

  • Sau phẫu thuật cắt túi mật, bệnh nhân không cần phải dùng thêm các loại thuốc hỗ trợ tiêu hóa vì gan vẫn tiết ra dịch mật đầy đủ.
  • Một số ít trường hợp có chậm tiêu với thức ăn nhiều chất béo, trứng. Vì vậy, tốt nhất là sau mổ bệnh nhân nên hạn chế ăn thức ăn nhiều chất béo, trứng trong vòng 3 tháng để cơ thể kịp điều chỉnh dự trữ dịch mật.
  • Rất ít trường hợp có tiêu lỏng sau mổ, triệu chứng này thường tự khỏi sau vài tuần.

BS: Phòng Khám CK 108

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *